Từ ngã tư thị trấn Chũ, theo hướng Khuôn thần 5km là đến trường phổ thông DTNT Lục Ngạn, tiền thân là Trường Thanh niên dân tộc Chũ. Trường được thành lập năm 1960, tọa lạc tại thôn Bãi Bằng, xã Kiên Thành, huyện Lục Ngạn tỉnh Bắc Giang.
(Toàn cảnh nhà trường)
Trải qua hơn nửa thế kỉ tồn tại, dưới sự quan tâm sâu sắc của Đảng bộ, chính quyền, các ban ngành đoàn thể và nhân dân tỉnh Bắc Giang, của huyện Lục Ngạn, cùng với sự nỗ lực vượt khó không mệt mỏi của các thế thệ thầy và trò, nhà trường đã liên tục gặt hái được những thành tích quan trọng trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo, góp phần không nhỏ vào sự phát triển chung của quê hương Lục Ngạn.
Qua 58năm xây dựng và trưởng thành, trường PT DTNT Lục Ngạn đã đạt những thành tích rất đáng tự hào: Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam 9 lần tặng cờ “Đơn vị xuất sắc dẫn đầu các phong trào thi đua”, được tặng nhiều cờ, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục, Trung ương Đoàn, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh…Chủ tịch nước 3 lần tặng huân chương Lao động (1985, 1995, 1998); đặc biệt, tháng 9 năm 2000, nhà trường vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý “ Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới”; Từ năm 2003 đến nay, nhà trường luôn được công nhận Trường đạt chuẩn quốc gia. Năm học 2016-2017, nhà trường đạt trường tiên tiến xuất sắc và vinh dự được nhận Bằng khen của chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang.
Để đạt được những thành tích đáng tự hào trên, nhà trường đã trải qua biết bao những khó khăn, thăng trầm cùng quê hương, đất nước. Có những thời điểm khó khăn tưởng chừng như không thể trụ vững, nhà trường có nguy cơ phải giải thể nhưng những thử thách đó đã không khuất phục được ý chí can trường của con người. Toàn thể CBGV vẫn sát cánh bên nhau, bám trụ với đất, với con người Lục Ngạn để rồi từng bước vượt khó vươn lên, xây dựng và kiến thiết nhà trường ngày càng trở nên khang trang hơn, to đẹp hơn. Bằng tình yêu và trái tim tràn đầy nhiệt huyết của mình, bao lớp thầy cô đã hoàn thành sứ mệnh mà Đảng và nhân dân giao phó, cùng nhau góp phần đưa trường phổ thông DTNT Lục Ngạn trở thành điểm đến tin cậy của học sinh dân tộc, đã khiến đồng bào vùng cao tin tưởng gửi gắm con em mình cho nhà trường trong suốt hơn 5 thập kỉ qua.
(Một góc khu Nội trú của học sinh)
Năm học 2018-2019 này, trường phổ thông DTNT Lục Ngạn hiện có 436 học sinh được tuyển từ 21 xã vùng cao của huyện Lục Ngạn với 8 thành phần dân tộc là Nùng, Tày, Dao, Sán chí, Sán dìu, Cao Lan, Hoa và 5% là người dân tộc Kinh. Trường có 14 lớp trong tổng số 7 khối từ khối 6 đến khối 12. Tổng số cán bộ giáo viên nhà trường là 53 đồng chí, trong đó trong biên chế là 42 đồng chí, 11 đồng chí là hợp đồng lao động ngắn hạn. Chi bộ nhà trường có 21 đảng viên, nữ 11 đồng chí chiếm tỉ lệ 52,4%.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng của nhà trường là giáo dục và đào tạo con em dân tộc vùng cao để trở thành độ ngũ cán bộ dân tộc ưu tú kế cận đạt hiệu quả tốt nhất, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về con người trong thời kỳ mới. Vì vậy việc giáo dục nhân cách, đạo đức tốt đẹp luôn được đặt lên hàng đầu. Hàng năm, tỉ lệ học sinh xếp loại hạnh kiểm khá, tốt đạt từ 92 – 95%.
Bên cạnh việc giáo dục đạo đức, chất lượng dạy và học ngày càng được nâng cao và được duy trì ổn định. Chất lượng văn hoá đã có những bước tiến vững chắc. Đặc biệt, trong những năm học gần đây, tỉ lệ học sinh xếp loại học lực trung bình trở lên luôn chiếm 93- 95%, trong đó học lực khá giỏi đạt từ 58- 65%; tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THPT luôn đạt 100% .Ngoài ra, chất lượng mũi nhọn cũng được nhà trường quan tâm và có những bước đột phá như giải về văn hóa cấp tỉnh năm học vừa qua có 1 giải nhất và 2 giải ba. Kết quả thi cuối cấp đều đứng trong top 5 trường có điểm trung bình cao nhất tỉnh, đặc biệt năm học 2016-2017, 2017-2018 điểm trung bình kì thi THPTQG của các em học sinh nhà trường được xếp thứ 3 trong toàn tỉnh. Trong đó điểm môn Văn xếp thứ nhất, môn Sử và Địa xếp thứ 2, môn Giáo dục công dân xếp thứ 3. Đó là một minh chứng cho tinh thần lao động, cống hiến của tập thể sư phạm nhà trường, là tín hiệu tốt đẹp trong tình hình giáo dục đang có nhiều thử thách như hiện nay.
Là trường chuyên biệt với 95% học sinh là người dân tộc thiểu số, 100% học sinh sống, học tập trung tại trường, nên công tác quản lí, tổ chức đời sống nội trú luôn đặc biệt được coi trọng. Ngay từ những ngày đầu thành lập trường, Ban lãnh đạo nhà trường đã học tập nhiều mô hình quản lí, nghiên cứu và xây dựng mô hình hoạt động phù hợp, khoa học, đề cao nền nếp, kỉ cương nhưng cũng mềm dẻo để hợp với điều kiện nhà trường. Đó là chìa khoá cho sự tồn tại bền vững và những thành công của nhà trường trong suốt 58 năm qua.
(Buổi chào cờ đầu năm tại trường)
Cùng với bước tiến mạnh mẽ trong công tác dạy học, nhà trường còn làm tốt việc chăm lo đời sống của các em học sinh. Chế độ tiêu chuẩn của các em được công khai, minh bạch, thực đơn hàng tuần được xây dựng cụ thể, chi tiết nhằm từng bước nâng cao chất lượng nuôi dưỡng và chăm sóc sức khỏe cho các em. Với phương châm “Ăn sạch, uống sạch, ở sạch”, nhà trường luôn thực hiện nghiêm ngặt các quy định về việc sinh an toàn thực phẩm, cải tiến phương pháp phục vụ tiến tới nâng cao chất lượng bữa ăn. Chính vì vậy, liên tục trong nhiều năm, trong trường không xảy ra tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm.
Với các em học sinh, các em phải đi học xa gia đình từ nhỏ nên việc trang bị cho các em những kĩ năng sống là vô cùng cần thiết. Ở đây, các em không chỉ được học chữ mà còn được trang bị những kĩ năng về trồng trọt, chăn nuôi. Mỗi lớp có một vườn rau và vườn hoa để các em trải nghiệm. Các em được tự tay mình trồng và chăm sóc những loài cây mà mình yêu thích. Từ đó giáo dục tình yêu thiên nhiên và sự gắn bó với ngôi trường mà các em đang theo học.
( Một góc vườn rau của lớp 9A trường PTDTNT Lục Ngạn)
(Nữ sinh 12a trong vườn hoa Tam giác mạch của lớp gieo trồng)
Bên cạnh việc chăm lo đời sống vật chất, nhà trường còn luôn chăm lo, vun đắp về đời sống tinh thần cho thầy và trò. Các hoạt động ngoài giờ lên lớp như hoạt động tình nguyện, tham quan học tập được tổ chức phong phú, linh hoạt. Từ đó giáo dục lòng tự hào dân tộc, lòng yêu tổ quốc, khơi dậy lòng nhân ái và tinh thần nhân văn trong mỗi con người.
(Học sinh tham quan ltrải nghiệm)
Ban chấp hành Đoàn trường thường xuyên tổ chức các hoạt động trải nghiệm như: cắm trại, trưng bày các gian hàng mô phỏng nét sinh hoạt của mỗi dân tộc, các trò chơi dân gian, đọc báo, chiếu phim, giao lưu thể thao…Ngoài ra, văn hóa văn nghệ thường xuyên được tổ chức là điều kiện tốt để học sinh các dân tộc giao lưu hoà nhập về văn hoá, thể hiện và phát huy bản sắc văn hoá của dân tộc mình. Từ đó giáo dục cho các em lòng tự hào dân tộc, nâng cao óc thẩm mĩ cũng như ý thức tôn trọng và đoàn kết cộng đồng. Như vậy, đời sống văn hoá tinh thần trong nhà trường không ngừng được nâng lên cả về bề rộng lẫn chiều sâu, đó là nguồn vui, là động lực to lớn giúp các em học sinh tích cực học tập, rèn luyện, gắn bó với trường lớp, yêu bạn, kính thầy.
(Một gian hàng trưng bày văn hóa dân tộc Cao Lan của lớp 10a trong Hội thi tìm hiểu văn hóa phong tục các dân tộc- một trong những hoạt động chào mừng 26/3/2018 tại trường)
(Trải nghiệm gói và nấu bánh chưng ngày tết ở trường – Xuân 2018)
(Nữ sinh 12b giới thiệu món ăn truyền thống do các em tự làm- Xôi năm màu- tại gian trai trưng bày ở Sơn Động trong ngày hội giao lưu các trường PTDT Nội trú tỉnh Bắc Giang 2018)
Để có được những kết quả đáng tự hào trên, Ban gián hiệu nhà trường luôn giám sát, đánh giá, rút kinh nghiệm nghiêm túc và kịp thời mọi hoạt động của đơn vị, nhằm đảm bảo mọi hoạt động đều diễn tiến nhịp nhàng, ổn định và đạt hiệu quả tối ưu nhất. Các cán bộ giáo viên đều nâng cao tinh thần trách nhiệm trong giảng dạy và giáo dục, chăm lo cho học sinh như con em mình. Các em học sinh có ý thức chủ động học tập, rèn luyện. Mối quan hệ thầy trò ngày càng ấm áp nghĩa tình như tình cảm một đại gia đình đầm ấm thương yêu, gắn bó. Đó là nguồn gốc sâu xa lí giải tại sao trong suốt 10 năm qua, công tác duy trì sĩ số của nhà trường luôn đạt tỉ lệ cao từ 98,6% - 100%.Nhiều học sinh qua các thế hệ đã trưởng thành trở thành cán bộ lãnh đạo các cấp, công nhân viên chức, sĩ quan, chiến sĩ, những người lao động thành đạt, những công dân tích cực của xã hội …Nhiều em trong số đó đã xuất sắc giành được học bổng du học nước ngoài như: Từ Văn Ngọc (du học Singapo), Vi Thị Lý (du học Trung Quốc), Dương Hồng Nhung (du học Đài Loan)…)
Có thể khẳng định và tự hào, trong suốt những năm qua, được học tập và trưởng thành từ trường PT DTNT là niềm hạnh phúc của các thế hệ học trò dân tộc miền núi huyện Lục Ngạn, bởi ở đó các em không chỉ được học chữ mà còn hiểu được nghĩa, cái nhân nghĩa cao đẹp để luôn vững bước giữa trường đời. Trong hành trang cuộc sống, mỗi thế hệ học trò nhà trường luôn tự hào vì đã được dưỡng dục trong một mái trường đoàn kết, ấm áp nghĩa tình, một biểu tượng vinh quang của tinh thần Anh hùng lao động trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Một mùa hoa trái trĩu cành lại về trên mảnh đất Lục Ngạn giữa tiết trời đầu đông, không khí lập thành tích thi đua chào mừng ngày Hiến chương các nhà giáo 20/11 cũng đang rộn ràng nơi trường phổ thông DTNT Lục Ngạn - ngôi trường mà 58 năm qua bao thế hệ thầy và trò từng sống và học tập. Để rồi qua bao nhiêu năm tháng thời gian, dù có đi xa bao nhiêu chăng nữa lòng người vẫn luôn gửi về mái trường Nội trú ấy với tất cả niềm yêu thương, tự hào.
(GV: Phạm Thị Hạnh - Đặng Thị Hiên - Vũ Thanh Tùng)